Fapturbo 2 Review

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Hợp đồng kì hạn (Forward)


Hợp đồng kì hạn là một thoả thuận giữa hai bên về việc mua hay bán một tài sản nào đó vào một thời điểm định trước trong tương lai. Do vậy, trong loại hợp đồng này, ngày kí kết và ngày giao hàng là hoàn toàn tách biệt nhau. Khác với hợp đồng quyền chọn, trong đó người giữ hợp đồng có quyền thực hiện hoặc không thực hiện quyền của mình, thì ở hợp đồng kì hạn, 2 bên chịu sự ràng buộc pháp lý chặt chẽ phải thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, trừ khi cả hai bên thoả thuận huỷ hợp đồng.

Hợp đồng kì hạn được sử dụng để phòng ngừa rủi ro, ví dụ như rủi ro mất giá tiền tệ (hợp đồng kì hạn đối với USD hoặc EUR) hay rủi ro biến động giá một loại hàng hoá nào đó (hợp đồng kì hạn với dầu mỏ).
Trong hợp đồng kì hạn, một bên đồng ý mua, còn bên kia đồng ý bán, với một mức giá kì hạn được thống nhất trước, nhưng không có việc thanh toán tiền thật sự ngay thời điểm kí kết. Ngược lại với giá kì hạn là giá giao ngay (spot price), giá bán của tài sản được giao vào ngày giao ngay (spot date), thường là trong vòng 2 ngày kể từ ngày kí. Chênh lệch giữa giá kì hạn và giá giao ngay gọi là khoản thặng dư (forward premium) nếu giá kì hạn cao hơn, hoặc khoản khấu trừ(forward discount) nếu giá kì hạn thấp hơn.

Hợp đồng kì hạn được tiêu chuẩn hoá, giao dịch trên các thị trường tập trung gọi là hợp đồng tương lai (futures contract). Hợp đồng tương lai cũng là một loại hợp đồng kì hạn nhưng nó có những đặc trưng rât riêng.
Hãy nghiên cứu ví dụ sau để hiểu rõ hơn về đặc điểm của một hợp đồng kì hạn:
Giả sử Mr. X muốn mua một ngôi nhà trong vòng 1 năm tới, đồng thời Mr. Y sở hữu một căn nhà và anh ta muốn bán trong cùng thời gian đó. Y thoả thuận bán ngôi nhà của Y cho X sau 1 năm nữa với giá là $104,000, hợp đồng này là một hợp đồng kì hạn. Vì X là người mua nên X mong muốn giá sẽ tăng trong tương lai, ngược lại, Y muốn giá giảm. Cuối năm, giả sử giá thị trường của ngôi nhà lúc đó là $110,000, trong khi Y có nghĩa vụ phải bán nhà cho X với giá $104,000 theo như cam kết trong hợp đồng nên có thể coi như Y đã lỗ $6000, còn X lãi $6000 (vì X có thể mua nhà của Y với giá $104,000 và bán ngay trên thị trường với giá $110,000).

Nhìn chung nếu không tính đến các nhân tố khác thì giá kì hạn bao giờ cũng lớn hơn giá giao ngay, vì nó bao gồm cả lãi suất.
Tiếp tục ví dụ trên, giả sử giá bán hiện nay của ngôi nhà là $100,000, thì Y có thể bán ngay để đem gửi ngân hàng để hưởng lãi suất 4%/năm. Sau 1 năm Y sẽ có số tiền $104,000 mà không phải chịu chút rủi ro nào. Trong khi đó nếu X muốn mua ngay ngôi nhà anh ta sẽ đến vay ngân hàng số tiền $100,000, và cũng phải trả lãi 4%/năm. Còn ngược lại nếu kí hợp đồng mua kì hạn anh ta sẽ không phải trả lãi nên X cũng sẵn sàng bỏ ra $104,000 để mua ngôi nhà trong vòng 1 năm nữa. Đó là lý do vì sao giá kì hạn được thống nhất ở $104,000 chứ không phải là $100,000.

VÍ DỤ 2: THỎA THUÂN HỢP ĐỒNG KỲ HẠN CÀ PHÊ

Ví dụ:
Tình hình giá cà phê trên thị trường Việt Nam thường bất ổn và dao động tùy thuộc vào tình hình giá cả cà phê trên thị trường thế giới và tình hình thời tiết.
Năm nào thời tiết tốt và giá cà phê thị trường thế giới giảm thì giá cà phê trong nước giảm theo khiến nông dân trồng cà phê bị thiệt hại. Ngược lại, năm nào thời tiết không tốt và giá cà phê thị trường thế giới tăng thì giá cà phê trong nước tăng theo khiến các nhà xuất khẩu cà phê khó khăn khi thu mua cà phê của nông dân.
Để tránh tình trạng bất ổn, nhà xuất khẩu cà phê, chẳng hạn công ty CP XNK ĐakLak, có thể thương lượng và ký kết hợp đồng mua cà phê kỳ hạn với Thịnh Cafe (là một người nông dân).

Ví dụ vào đầu vụ, CP XNK ĐakLak ký hợp đồng kỳ hạn 6 tháng mua của Thịnh Cafe 20 tấn cà phê với giá là 28 triệu đồng/tấn. Thì lúc đó Thịnh Cafe được gọi là người bán và CP XNK ĐakLak là người mua trong hợp đồng kỳ hạn.
Sau 6 tháng Thịnh Cafe có trách nhiệm phải bán cho CP XNK ĐakLak 20 tấn cà phê với giá thỏa thuận trước là 28 triệu đồng/tấn và CP XNK ĐakLak bắt buộc phải mua 20 tấn cà phê của Thịnh Cafe với giá đó, cho dù giá cà phê trên thị trường sau ba tháng là bao nhiêu đi nữa.
Với giá thỏa thuận biết trước và cố định, cả Thịnh Cafe và CP XNK ĐakLak đều có được sự yên tâm khỏi phải lo lắng về sự biến động giá cả cà phê trên thị trường.

 Như vậy bằng việc tham gia vào một hợp đồng kỳ hạn, cả hai bên đều giới hạn được rủi ro tiềm năng cũng như hạn chế lợi nhuận tiềm năng của mình.