Fapturbo 2 Review

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Cảnh giác gian lận trong thanh toán L/C

Các DN nội địa đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trong hoạt động kinh doanh, mà một trong những nguy cơ lớn là tình trạng gian lận trong thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cơ hội lớn, rủi ro không nhỏ

Sau khi mở cửa thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu XNK vẫn thông qua các đầu mối lớn, khi đó NH có vai trò rất quan trọng. Giai đoạn này hầu như lừa đảo trong giao dịch quốc tế rất thấp, cơ hội giao thương chưa nhiều, đồng thời thanh toán bằng phương thức tín dụng thư (L/C) ít thực hiện.

Trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới đã gia tăng mạnh mức độ giao thương cả hai chiều. Nay các DN XNK không phải thông qua các đầu mối trung gian, nếu đủ điều kiện, có thể thương thảo trực tiếp với các nhà cung cấp ở nước sở tại.

Đây là lợi thế lớn cho các DN nước ta tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây các DN XNK đã gặp phải rất nhiều vụ gian lận trong thanh toán quốc tế và tình trạng này ngày càng phức tạp. Điều đáng lo ngại là hầu như các DN XNK ở nước ta chưa nhận thức hết mối nguy hại này.

Theo bà Đặng Thị Phương Diễm, Giám đốc tài trợ thương mại VIB Bank, giao thương thông qua các trung gian, đầu mối thương mại lớn có thương hiệu, uy tín trên thương trường thì DN ít có nguy cơ gặp rủi ro. Nhưng thực tế hiện nay nhiều DN XNK giao thương trực tiếp thường là những nhà cung cấp nhỏ, nhà môi giới kinh doanh nhỏ ở nước sở tại - họ hoàn toàn có thể giao dịch theo kiểu khách hàng vãng lai, làm một thương vụ rồi thôi.

Vì vậy DN rất dễ gặp rủi ro khi giao dịch. Tùy vào mức độ rủi ro từ nhẹ (như nói dối về xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa) đến nặng (như lừa đảo về khối lượng hàng hóa và gian lận trong thanh toán).

Có trường hợp một DN nhập khẩu hàng từ nước ngoài mở L/C thanh toán tại VCB Hải Phòng. Tiền hàng đã được thanh toán (vì bộ chứng từ 2 bên mua bán đầy đủ), khi DN liên hệ, phía hãng tàu nói tàu chở hàng sắp xuất cảng, liên hệ lần thứ 2 được báo tàu chạy rồi, liên hệ lần 3 thì hãng tàu biến mất. DN này đã thanh toán hơn 2,5 triệu USD hàng nhập khẩu trong khi tàu chở hàng biến mất.

Làm sao tránh rủi ro?

Trong giao dịch thanh toán quốc tế, hình thức thanh toán bằng phương thức L/C chiếm tỷ trọng khá cao, hơn 60%. Theo khảo sát của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), có khoảng 70% chứng từ xuất trình theo L/C đã bị NH từ chối vì có sai sót. Điều này gây thiệt hại cho các DN cả về thời gian và tiền bạc (mỗi lần làm lại chứng từ, DN phải tốn từ 50-100 USD), cho thấy nhiều DN chưa hiểu hết về các quy tắc trong hoạt động thanh toán XNK.

Hiện nay vấn đề khá phức tạp trong thanh toán XNK chính là vận tải hàng hóa. Hầu hết các vụ lừa đảo từ L/C đều liên quan đến vận tải hàng hóa (việc người bán có giao hàng hoặc người mua có nhận hàng hay không). Khi thuê tàu vận chuyển hàng xuất hoặc hàng nhập, hầu như các DN không nắm bắt rõ tọa độ và thông tin lô hàng đang vận chuyển.

Không ít trường hợp, DN đem hóa đơn ra hãng tàu nhận hàng thì bị từ chối với lý do hóa đơn không phải do hãng tàu phát hành, trong khi nguyên nhân là do tàu bị trục trặc kỹ thuật nên hàng hóa được chuyển qua một tàu khác.

Một trường hợp khác xảy ra cách đây không lâu tại VIB Bank với một DN có rất nhiều kinh nghiệm. DN này khi phát hành L/C mua hàng và xuất trình chứng từ rất hoàn hảo. Khi NH yêu cầu DN thực hiện nghĩa vụ thanh toán và đến hãng tàu vận tải để nhận hàng thì bị từ chối với lý do rất đơn giản là tên người ghi trên bill nhận hàng không phải là người của hãng tàu đó mà chỉ là người của đại lý hãng tàu. Có trường hợp DN còn bị từ chối thanh toán hoặc nhận hàng vì tàu vận chuyển không thuộc loại tàu được phép đi biển…

Theo các chuyên gia thanh toán XNK, để tránh những rủi ro trên thương trường, các DN cần hiểu rõ đối tác về năng lực tài chính, quá trình hoạt động; khi ký hợp đồng phải chặt chẽ và tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn quốc tế. Khi có dấu hiệu khả nghi, địa chỉ đối tác không rõ ràng, hợp đồng thiếu cam kết cụ thể…, DN cần phối hợp chặt chẽ với NH và các tổ chức liên quan để xác minh kịp thời, tránh những rủi ro gây thiệt hại cho DN.