Fapturbo 2 Review

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Các phương thức thanh toán quốc tế trong kinh doanh, xuất nhập khẩu

Các phương thức thanh toán quốc tế trong kinh doanh
Trong kinh doanh ngày nay, thanh toán quốc tế đang ngày trở nên phổ biến. Những phương thức thanh toán truyền thống như tiền mặt đã dần được thay thế bằng những phương thức thanh toán hiện đại hơn, nhanh chóng hơn.

Bạn thử hình dung nếu bạn có quan hệ đối tác làm ăn với các thương nhân nước ngoài mà bạn không có các phương thức thanh toán quốc tế thì sẽ như thế nào? Hẳn là không thể kinh doanh được rồi.

Những phương thức thanh toán quốc tế ngày nay ngày càng nhiều. Các doanh nhân sử dụng chúng cũng một cách thông dụng hơn trong hoạt động giao thương của mình. Nhưng do tính chất đặc biệt của nó nên rất dễ gặp rủi ro. Chẳng hạn như mới đây hãng Acama, một hãng chuyên nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Mỹ khi nhận một hoá đơn thanh toán theo phương thức nhờ thu của đối tác nước ngoài. Acama đã theo những chỉ dẫn chung đã thực hiện việc chuyển tiền qua ngân hàng, nhưng do chưa tìm hiểu kỹ càng ngân hàng nhờ thu nên đã mất không một khoản tiền. Không những thế Acama còn bị phạt Hợp đồng vì thành toán muộn.

Đó chỉ là một trong rất nhiều các trường hợp doanh nghiệp gặp phải rủi ro trong quá trình thanh toán quốc tế. Yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp là cần có kiến thức vững chắc về phương thức thanh toán quốc tế nhất định được áp dụng trong từng lần giao thương.

*) Phương thức chuyển tiền:

Khi có một khách hàng (người trả tiền) yêu cầu ngân hàng phục vụ mình chuyển một số tiền nhất định cho một người khác ( người thụ hưởng) ở một địa điểm nhất định thì gọi là chuyển tiền của ngân hàng.
Để thực hiện việc chuyển tiền thì ngân hàng chuyển tiền phải thông qua đại lý của mình ở nước người thụ hưởng.
Phương thức chuyển tiền có thể thực hiện bằng hai cách:
- Chuyển tiền bằng điện
- Chuyển tiền bằng thư
Hai cách chuyển tiền trên chỉ khác nhau ở chỗ là: chuyển tiền bằng điện nhanh hơn chuyển tiền bằng thư, nhưng chi phí chuyển tiền bằng điện cao hơn.
Tiền chuyển đi có thể là tiền của nước người thụ hưởng hoặc là tiền của nước người trả hoặc là tiền của nước thứ ba. Nếu là tiền của nước người thụ hưởng và tiền của nước thứ ba thì gọi là thanh toán bằng ngoại tệ. Trong trường hợp thanh toán bằng ngoại tệ thì người chuyển tiền phải mua ngoại tệ theo tỷ giá hối đoái của nước đó.
Phương thức chuyển tiền ít được sử dụng trong thanh toán thương mại quốc tế. Nó được sử dụng chủ yếu trong thanh toán phi mậu dịch, cũng như các dịch vụ có liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá như cước vận tải, bảo hiểm, bồi thường…

*) Phương thức nhờ thu:

Người xuất khẩu sau khi hoàn thành nhiệm vụ xuất chuyển hàng hoá cho người nhập khẩu thì uỷ thác cho ngân hàng phục vụ mình thu hộ số tiền ở người nhập khẩu trên cơ sở hối phiếu do mình lập ra.
Các thành phần chủ yếu tham gia phương thức thanh toán này như sau:
- Người xuất khẩu
- Ngân hàng phục vụ người xuất khẩu
- Ngân hàng đại lý của ngân hàng phục vụ người xuất khẩu (đó là ngân hàng quốc gia của người nhập khẩu)
- Người nhập khẩu
Phương thức nhờ thu được phân ra làm hai loại như sau:
- Nhờ thu phiếu trơn: Người xuất khẩu sau khi xuất chuyển hàng hoá, lập các chứng từ hàng hoá gửi trực tiếp cho người nhập khẩu (không qua ngân hàng), đồng thời uỷ thác cho ngân hàng phục vụ mình thu hộ tiền trên cơ sở hối phiếu do mình lập ra.
Phương thức thanh toán này ít được sử dụng trong thanh toán thương mại quốc tế vì nó không đảm bảo quyền lợi cho người xuất khẩu.
- Nhờ thu kèm chứng từ: là phương thức trong đó người xuất khẩu uỷ thác cho ngân hàng thu hộ tiền ở người nhập khẩu, không những chỉ căn cứ vào hối phiếu mà còn căn cứ vào bộ chứng từ hàng hoá, gửi kèm theo với điều kiện là người nhập khẩu trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu có kỳ hạn, thì ngân hàng mới trao bộ chứng từ hàng hoá để đi nhận hàng.
Theo phương thức này ngân hàng không chỉ là người thu hộ tiền mà còn là người khống chế bộ chứng từ hàng hoá. Với cách khống chế này quyền lợi của người xuất khẩu được đảm bảo hơn.

*) Phương thức tín dụng chứng từ:

Phương thức tín dụng chứng từ là một sự thoã thuận mà trong đó một ngân hàng theo yêu cầu của khách hàng sẽ trả một số tiền nhất định cho một người thứ 3 hoặc chấp nhận hối phiếu do người thứ 3 ký phát trong phạm vi số tiền đó, khi người thứ 3 này xuất trình bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những quy định đề ra trong thư tín dụng.
Như vậy, để tiến hành thanh toán bằng phương thức này, bắt buộc phải hình thành một thư tín dụng. Đây là một văn bản pháp lý quan trọng của phương thức thanh toán này, vì nếu không có thư tín dụng thì xuất khẩu sẽ không giao hàng và như vậy phương thức tín dụng chứng từ cũng sẽ không hình thành được.
Tín dụng thư là văn bản pháp lý trong đó ngân hàng mở tín dụng thư cam kết trả tiền cho người xuất khẩu, nếu như họ xuất trình đầy đủ bộ chứng từ thanh toán phù hợp với nội dung của thư tín dụng đã mở.
Thư tín dụng được hình thành trên cơ sở hợp đồng thương mại, tức là phải căn cứ vào nội dung, yêu cầu của hợp đồng để người nhập khẩu làm thủ tục yêu cầu ngân hàng mở thư tín dụng. Nhưng sau khi đã được mở, thư tín dụng lại hoàn toàn độc lập với hoạt động thương mại đó. Điều đó có nghĩa là khi thanh toán, ngân hàng chỉ căn cứ vào nội dung thư tín dụng mà thôi.
Các loại thư tín dụng chủ yếu là:
- Thư tín dụng có thể huỷ ngang: Đây là loại thư tín dụng mà sau khi đã được mở thì việc bổ sung sửa chữa hoặc huỷ bỏ có thể tiến hành một cách đơn phương.
- Thư tín dụng không thể huỷ ngang: Là loại thư tín dụng sau khi đã được mở thì việc sữa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ chỉ được ngân hàng tiến hành theo thoã thuận của tất cả các bên có liên quan. Trong thương mại quốc tế thư tín dụng này được sử dụng phổ biến nhất.

- Thư tín dụng không thể huỷ bỏ có xác nhận: Là loại thư tín dụng không thể huỷ bỏ, được một ngân hàng khác đảm bảo trả tiền theo yêu cầu của ngân hàng mở thư tín dụng.

- Thư tín dụng chuyển nhượng: Là loại thư tín dụng không thể huỷ bỏ, trong đó quy định quyền của ngân hàng trả tiền được trả hoàn toàn hay trả một phần của thư tín cho một hay nhiều người theo lệnh của người hưởng lợi đầu tiên.



UCP là bộ quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ trong xuất nhập khẩu,vừa được Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) hoàn tất. Trong đó quy định quyền hạn trách nhiệm của các bên liên quan trong giao dịch tín dụng chứng từ.

Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đã hoàn tất và ban hành bản sửa đổi Quy tắc và Thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ trong xuất nhập khẩu (UCP 600), áp dụng từ ngày 1/7/2007. UCP được ban hành lần đầu tiên vào năm 1933 nhằm thống nhất các quy định trong hoạt động thanh toán quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thanh toán xuất nhập khẩu. Toàn bộ phiên bản này đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nội giới thiệu cụ thể tại Hội thảo chuyên đề “Tài trợ xuất nhập khẩu” vừa diễn ra tại Hà Nội.

UCP 600 là bản sửa đổi lần thứ sáu của ICC. Điểm mới của UCP 600 lần này là quy định cụ thể và chi tiết nghĩa vụ, trách nhiệm của các ngân hàng tham gia thanh toán và trách nhiệm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy định chi tiết các mức phí áp dụng chung trên toàn thế giới đối với từng loại giao dịch, giúp hoạt động xuất nhập khẩu thuận tiện hơn; thời gian kiểm tra chứng từ chỉ mất 5 ngày làm việc thay vì 7 ngày như trước.

Bà Lê Thị Phương Lan, Trưởng phòng thanh toán quốc tế Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nội cho biết: Sử dụng UCP doanh nghiệp có nhiều cái lợi. Đối với các nhà nhập khẩu thì có thể đảm bảo được thứ nhất về vốn, sử dụng tài trợ thương mại. Thứ hai là đảm bảo về mặt chứng từ, có nghĩa là chứng từ phát hành từ bên thứ 3 hoặc về các hãng vận tải, bảo hiểm, công ty kiểm định chất lượng thứ 3. Đương nhiên về sử dụng quan hệ L/C thông qua UCP thì nó cũng giảm thiểu các tranh chấp có thể xảy ra giữa người mua và người bán. Tương tự với hàng xuất khẩu cũng vậy. Nhà xuất khẩu đảm bảo được khả năng thanh toán rất cao và cũng có thể có được những tài trợ xuất khẩu đối với cả phía ngân hàng phục vụ mình.

Theo kết quả điều tra toàn cầu do ICC thực hiện năm 2006, có khoảng 70% chứng từ xuất trình theo tín dụng thư đã bị ngân hàng từ chối ở lần xuất trình đầu tiên vì có sai sót, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp cả về thời gian và tiền bạc (thông thường mỗi lần làm lại chứng từ doanh nghiệp phải tốn từ 50 - 100USD). Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa hiểu hết về các quy tắc trong hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu.

Từ thực tế này, Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Công ty vật tư khoa học kỹ thuật, đề xuất ý kiến: “Chúng tôi rất muốn có những tư vấn ngay cả khi ký hợp đồng với nước ngoài để tư vấn cho các doanh nghiệp phương thức thanh toán L/C hay chuyển tiền bằng điện như thế nào để bảo vệ các doanh nghiệp trước các thanh toán bị vướng mắc về tài chính đối với các nước có nghiệp vụ cao hơn mình. Trong thực tế các doanh nghiệp chúng tôi rất khó hiểu hết các phương thức thanh toán này, trong khi đó ngân hàng lại nắm rất chắc”.

Trong hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu, thường các ngân hàng chấp nhận số hàng trong giao dịch của doanh nghiệp làm tài sản đảm bảo để ứng trước số tiền thanh toán. Khi xảy ra rủi ro hoặc gian lận, khoản tiền đó của ngân hàng sẽ bị đọng lại. Bà Phạm Thị Hằng, Phó giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi đã tổng hợp các trường hợp rủi ro đã xảy ra trong những năm qua để lưu ý khách hàng cảnh giác trước những rủi ro có thể gặp phải. Trong hoạt động thanh toán quốc tế thì ngoài việc hỗ trợ khách hàng thanh toán xuất nhập khẩu thì chúng tôi cũng tư vấn cho khách hàng nhiều trong việc lựa chọn đối tác cũng như thị trường, lựa chọn hình thức thanh toán”.

Trong giao dịch quốc tế không tránh khỏi những rủi ro trên thương trường. Các doanh nghiệp cần hiểu rõ đối tác về năng lực tài chính, tiểu sử về hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực xuất nhập khẩu; khi ký hợp đồng phải chặt chẽ và tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn quốc tế, để khi có xảy ra tranh chấp sẽ dễ giải quyết. Khi có dấu hiệu khả nghi: như chào hàng giá thấp so với mức giá chung của thế giới, địa chỉ của đối tác không rõ ràng, hợp đồng thiếu các cam kết cụ thể… cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng và các tổ chức liên quan để xác minh kịp thời, tránh được những rủi ro và gây thiệt hại cho doanh nghiệp./.(VOV)